Năm 2011, xuất hiện hơn 75 triệu phần mềm phá hoại
Theo bản báo cáo mới nhất của hãng McAfee về các mối đe dọa bảo mật quý 4 năm 2011, thì trong khi số lượng phần mềm mới xuất hiện ít dần đi trong quý 4, thì các phần mềm nhắm vào các thiết bị di động lại đang có xu hướng tăng lên đáng kể.
Phó chủ tịch McAfee Labs, ông Vincent Weafer, nhận xét rằng mục tiêu của những vụ tấn công bảo mật năm 2011 ngày càng trở nên đa dạng hơn, với những thay đổi về động cơ điển hình của các vụ tấn công. Ông nói: “Chúng tôi thấy rằng giờ đây hầu như không còn tổ chức, nền tảng hay thiết bị nào còn được xem là miễn dịch trước những mối đe dọa bảo mật có mục tiêu và ngày càng tinh vi”.
Có một điểm tích cực được nêu ra trong bản báo cáo của McAfee là số lượng phần mềm tấn công vào các máy tính cá nhân đã giảm đáng kể trong quý 4 năm 2011, ở một mức thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhưng dù đã có sự giảm sút như vậy thì tổng số mẫu phần mềm phá hoại được phát hiện năm 2011 vẫn vượt quá con số 75 triệu.
McAfee thấy rằng quý 4 năm 2011 là giai đoạn mà các phần mềm phá hoại di động hoạt động mạnh, với các mục tiêu chủ yếu là các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android do các lỗ hổng bảo mật mà tin tặc mới phát hiện trên nền tảng hệ điều hành mã nguồn mở này. Ông Weafer viết: “Trên phương diện toàn cầu, chúng ta ngày càng thực hiện nhiều các giao dịch cá nhân và kinh doanh qua các thiết bị di động, và điều này đã tạo thêm nhiều nguy cơ bảo mật mới cũng như các thách thức trong việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân và thương mại của chúng ta”.
Theo bản báo cáo của McAfee, tính trung bình, cứ mỗi ngày trong quý 4 năm 2011, lại có thêm 9.300 mẫu phần mềm phá hoại mới xuất hiện so với tổng số 6.500 trong quý 3 năm 2011. Phần lớn trong số này có nguồn gốc từ Mỹ (73%, sau đó là châu Âu - Trung Đông (hơn 17%) và châu Á - Thái Bình Dương (7%).
Về nạn thư rác năm 2011, McAfee cho biết mức độ thư rác đã giảm xuống mức thấp nhất tại các quốc gia như Anh, Brazil, Argentina và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các mạng botnet cũng có sự gia tăng trở lại chút ít vào hai tháng 11 và 12-2011, với các trò lừa đảo đang ngày càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết.
Bản báo cáo của McAfee cũng đã xác nhận lại những thông tin mà trang provacyrights.org đã nói trước đó, rằng lượng dữ liệu bị đánh cắp bởi tin tặc, phần mềm phá hoại, các trò lừa đảo hay những kẻ tay trong đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2009, và nếu chỉ tính riêng trong quý 4 năm 2011 đã có tới 40 vụ được công bố công khai.