Chơi facebook, đừng vượt quá giới hạn
Facebook với nhiều ưu thế vượt trội nên dù mới chỉ ra đời thời gian ngắn nhưng nó đã phát triển mạnh mẽ và trở thành không thể thiếu đối với nhiều người. Facebook được coi là một hình thức truyền thông mới có thể đưa tin đa phương tiện, nó vừa giống web ở khả năng đưa tin nhanh, lại vừa có thể liên lạc được với mọi người như email. Trên facebook ta có thể chia sẻ được các hình ảnh, các đoạn viđê-ô về bản thân người sở hữu facebook đó và chia sẻ những suy nghĩ của mình cho những người sử dụng facebook. Việc lập một tài khoản facebook cũng tương đối dễ dàng, người sử dụng chỉ cần có intơ-nét và một email là có thể lập một tài khoản facebook mà không cần phải đăng ký với cơ quan chức năng. Chính vì những tiện ích và sự đơn giản của facebook như vậy nên facebook có tốc độ phát triển như vũ bão.
Đến nay, thế giới mỗi tháng có khoảng 1,39 tỷ người truy cập facebook. Có 526 triệu người chọn smartphone là phương tiện truy cập facebook duy nhất, tăng 78% so với con số 296 triệu của một năm trước đó. Còn nếu tính những người thường xuyên sử dụng smartphone cùng với máy tính, số lượng người dùng facebook trên điện thoại đạt 745 triệu. Trong thời gian tới, nếu facebook lite thành công, số lượng này có thể sẽ còn tăng gấp đôi. Trong năm 2014, facebook thu về 12,47 tỷ USD, mang về khoản lợi nhuận 701 triệu USD. Doanh thu từ quảng cáo di động cũng tăng mạnh khi chiếm tới 69% doanh thu trong quý IV vừa qua. Châu Á là khu vực có tốc độ gia tăng số người dùng facebook nhanh nhất hiện nay. Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng tăng nhanh nhất khu vực, từ chỗ chỉ vài triệu trong mấy năm trước, nay tăng vọt lên hơn 20 triệu người dùng.
Nhiều người khi chơi facebook vẫn quan niệm chỉ tránh "đụng" các thông tin có nội dung đồi trụy, thông tin mật của Nhà nước, thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia... còn lại, bất luận đúng sai, cứ lên mạng là "chém gió" ào ào, chê một ai đó, một tổ chức nào đó hay bình luận về một vụ việc, vấn đề đang diễn ra, cứ nói "thả phanh", đúng sai có... mạng chịu! Đã có nhiều tổ chức, cá nhân trở thành nạn nhân của trò tán gẫu trên facebook kiểu này khi các thông tin đưa ra nhằm vào họ sai lệch hoàn toàn hoặc một phần; uy tín, danh dự bị ảnh hưởng nhưng không nhiều người truy đến cùng kẻ tung tin gây hại bởi sự phức tạp của thông tin mạng cũng như những khó khăn khi đấu tranh về mặt pháp lý để đòi lại danh dự, quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, đã đến lúc cần định hình lại về "thế giới phẳng" trên in-tơ-nét, cần thay đổi suy nghĩ về facebook hay các diễn đàn, mạng xã hội khác do mình lập ra là có quyền "thích thì chơi", nói gì cũng được. Trái lại, yêu cầu tối thiểu khi tham gia diễn đàn, mạng xã hội là phải có nhận thức cơ bản nhất để biết mình được hành động trong khuôn khổ nào.
Trở lại với vụ tung thông tin "dịch ebola xuất hiện tại Hà Nội", tác hại của nó sau khi tung lên facebook rất lớn khi lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận. Tài khoản facebook "Mẹ Gateau" đăng bài viết có nội dung: "Theo thông tin đã xác nhận từ ng nhà em làm trong BV là Hà Nội đã có người nhiễm Ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé...". Với kiểu viết dẫn dắt "thông tin đã được xác nhận" và nguồn lại được nói "từ người nhà em làm trong bệnh viện" khiến người đọc dễ tin là có thật, trong khi một facebook khác lại răn kiểu úp mở: "tin nội bộ chưa tiết lộ vì sợ ảnh hưởng"... Thực tế như các đối tượng đã khai tại cơ quan điều tra thì người nhà được nói trên facebook chính là mẹ của cô ta và chính bà mẹ đó đã nói: "Mẹ hỏi sếp bảo không có trường hợp nào"...
Thông tin về dịch bệnh nguy hiểm như ebola rất nhạy cảm, dư luận đặc biệt quan tâm và chỉ có cơ quan y tế mới xác định có hay không dịch bệnh này tại Việt Nam. Kiểu thông tin theo lối "nghe hơi nồi chõ" như trên là rất nguy hiểm. Trong khi đó, cư dân mạng cũng không rõ đầu đuôi, thêm bớt và lan truyền, bình phẩm như một "thông cáo" có thật, gây hoang mang dư luận.
Thực tế, chúng ta đã có các luật, nghị định điều chỉnh lĩnh vực này. Nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Việc tung tin thất thiệt lên mạng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự. |