FBI bị tin tặc nghe trộm điện thoại internet
Trong cuộc thảo luận, các quan chức cảnh sát Mỹ và Anh đã trao đổi về các mục tiêu trong các chiến dịch truy quét của họ, trong đó có hai thiếu niên người Anh có tên là Jake David và Ryan Cleary, đã từng bị bắt hồi năm ngoái vì bị nghi ngờ có liên quan tới Anonymous. Còn những cái tên khác được đề cập đến trong cuộc họp đã bị xóa bỏ.
Ngoài việc đoạn băng ghi âm giữa FBI và Scotland Yard, Anonymouse còn đăng trên mạng bức thư điện tử của FBI mời các cơ quan hành pháp châu Âu tham dự cuộc hội thảo trực tuyến ngày 17-1 nhằm “thảo luận về việc tiến hành các cuộc điều tra Anonymouse, Lulzsec, Anisec và các nhóm tin tặc có liên quan khác”. Mặc dù bức thư này được gửi các cơ quan hành pháp ở Anh, Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan và Thụy Điển nhưng chỉ có những quan chức của Mỹ và Anh là được xác nhận trong nội dung đoạn băng ghi âm.
Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ đã xác nhận độ xác thực của đoạn ghi âm dài 17 phút mà Anonymouse đã đăng trên YouTube và một số website khác và nói rằng những nội dung này “chỉ dành cho các quan chức thực thi pháp luật và đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp”. Thông báo của FBI cho biết: “Một cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành nhằm xác định và bắt giữ những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ việc này”.
Theo FBI, không có máy tính nào của cơ quan này bị tin tặc xâm nhập để thực hiện vụ nghe trộm này. Còn chuyên gia bảo mật Graham Cluley của hãng Sophos cho rằng các tin tặc dường như đã truy cập được vào cuộc gọi này “bởi chúng đã xâm nhập được vào một tài khoản thư điện tử của một quan chức cảnh sát”.
Việc công bố đoạn băng ghi âm nói trên chỉ là một trong số hàng loạt các vụ xâm nhập trên khắp nước Mỹ mà Anonymous thực hiện hôm 3-2. Trong đó có vụ làm thay đổi trang chủ một website của cảnh sát ở Boston, hay một vụ đánh cắp các thông tin cá nhân của những người cung cấp thông tin bí mật và nhân viên nội gián ở TP Salt Lake. Các thành viên của Anonymouse còn tấn công vào website của Bộ Tư pháp Hy Lạp để phản đối các chính sách cải cách tài chính khắc nghiệt của chính phủ nước này và đánh cắp một lượng lớn dữ liệu từ một hãng luật ở Virginia.
Hồi tháng trước, Anonymouse đã đánh sập các website của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ để trả đũa việc Mỹ đóng cửa website chia sẻ file nổi tiếng Megaupload. Còn vào cuối năm 2010, Anonymous cũng đã tấn công một loạt các website như Amazon, Visa, MasterCard, PayPal và một số website khác để phản đối quyết định của các hãng này từ chối cộng tác với trang web WikiLeaks.