Hơn 450 nghìn tài khoản Yahoo bị đánh cắp mật khẩu
Những tin tặc này cho biết, họ đã sử dụng kỹ thuật SQL injection, một phương pháp tấn công dữ liệu rất phổ biến đã từng được các tin tặc sử dụng để gây ra nhiều rắc rối cho Sony hồi năm 2011, để tấn công và đánh cắp dữ liệu của Yahoo.
Tới sáng ngày 13-7, website d33ds.co, nơi D33ds đăng các thông tin họ đánh cắp được đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, các file chứa thông tin này hiện vẫn đang được lan truyền qua các dịch vụ chia sẻ dữ liệu như torrent hay các website như MediaFire. Trong các file văn bản này, nhóm D33ds cũng cho biết họ không công bố tên của dịch vụ Yahoo sử dụng các tài khoản bị lộ để tránh tạo ra thêm những rắc rối khác.
Còn Yahoo hôm qua cũng đã xác nhận về việc một website của họ bị tấn công. Trong thông cáo của mình, Yahoo cho biết, một file thuộc dịch vụ Yahoo! Contributor Network (trước đây được gọi là Associated Content) có chứa thông tin đăng nhập và mật khẩu của khoảng 450.000 tài khoản Yahoo đã bị đánh cắp ngày 10-7. Trong số này, chỉ có chưa tới 5% số tài khoản bị đánh cắp là có mật khẩu còn dùng được.
Yahoo cũng đang thực hiện các biện pháp để vá lỗ hổng bảo mật đã dẫn khiến cho file dữ liệu này bị đánh cắp, thay đổi mật khẩu của những tài khoản Yahoo bị lộ và thông báo tới người dùng. Yahoo cũng khuyên người dùng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu của mình mà nên đọc các hướng dẫn tự bảo vệ mà họ đăng tại security.yahoo.com.
Hiện vẫn chưa rõ những tài khoản bị lộ mật khẩu là thuộc dịch vụ nào của Yahoo. Hãng bảo mật TrustedSec cho rằng dịch vụ bị tấn công chính là Yahoo! Voices, một dịch vụ mà Yahoo đã có được sau khi mua lại Associated Content vào năm 2010.
Tạp chí PCWorld thì biết, trong số các thông tin tài khoản bị lộ có hàng loạt các địa chỉ thư điện tử từ các dịch vụ thư phổ biến trong đó AOL, Gmail, Hotmail, Yahoo và một số dịch vụ khác.
Tập đoàn AOL cho biết, trong số các dữ liệu được công bố có mật khẩu hợp lệ của 1.699 tài khoản thuộc dịch vụ thư của họ. Còn Microsoft và Google từ chối cho biết các số liệu cụ thể.
Hãng bảo mật Eset cũng đã xem xét những dữ liệu mà tin tặc công bố và lọc ra được 10 dạng mật khẩu mà người dùng thường hay sử dụng nhất. Tất cả những mật khẩu này đều rất đơn giản và không an toàn, bao gồm: 123456, password, welcome, ninja, abc123, 123456789, 12345678, sunshine, princess, và qwerty.